10 tháng 4, 2013

Tứ Thánh Đế (Bốn Chân Lý Cao Cả)


Đức Phật nhiều lần xác định về tầm quan trọng và siêu việt của giáo lý Tứ đế, Ngài dạy : “Những bậc A La Hán Chánh đẳng giác ở trong quá khứ, ở trong tương lai hay hiện tại, được coi là vị Chánh đẳng giác đúng nghĩa là Chánh đẳng giác về bốn Thánh đế”
CHƯƠNG I : DẪN NHẬP
Sau khi chứng đạo cao cả, Đức Phật còn ngồi ở cội Bồ đề suy tư thiền quán thêm 21 ngày nữa về nội dung giáo pháp mà mình vừa chứng đắc. Sau đó ngài quyết định đến vườn Lọc Uyển khai pháp cho 5 người bạn cùng tu với mình trước đây. Bài pháp đầu tiên này được đem ra phổ biến đó là pháp Tứ Đế là Pháp mà nội dung nó là nhằm nói đến đời sống hiện hữu trước mắt. Bài pháp này mang chất sống động rõ rệt về thân phận con người không phải để ca tụng, sùng bái thần linh nào cả, không phải được tuyên đọc từ một vị thiên sứ từ trời cao bay xuống cứu chuộc tội lỗi cho con người, mà là bài pháp được thể hiện, thấy được bởi con người giác ngộ giữa trần gian này, về thân phận con người. Bài pháp này khai mở một đường đi, một chân trời mới là làm sáng  lại giá trị con người. Chỉ cho con người thấy được kho tàng trí thức cũng như khả năng của họ để họ tự nỗ lực kiến tạo lại đời mình bằng mọi hiểu biết có căn cội đúng đắn nhất xuất phát ngay giữa lòng cuộc sống này. Đây là lần đầu tiên hiếm quý duy nhất mà giá trị đời sống, thân phận con người được đem ra phân tích một cách sáng suốt nhất, bằng một kinh nghiệm ngay đây mà mọi hữu tình đều có thể thấy rõ được Đức Phật luôn dạy : “Này các Tỳ Kheo, nếu có ai nói rằng không cần xây dựng tầng dưới của ngôi nhà, tôi sẽ xây tầng trên của ngôi nhà, sự kiện này không thể xảy ra. Cũng vậy, nếu có ai nói rằng không còn giác ngộ Tứ thánh đế, ta sẽ đoạn diệt khổ đau, sự kiện này không thể xảy ra” 1 . Tôn giả Xá - lợi phất (Sari putta) nhận xét về Tứ đế : “Ví như tất cả dấu chân của mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này lớn nhất trong tất cả dấu chân. Cũng vậy, như hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong Tứ thánh đế” 2
Đức Phật nhiều lần  xác định về tầm quan trọng và siêu việt của giáo lý Tứ đế, Ngài dạy : “Những bậc A La Hán Chánh đẳng giác ở trong quá khứ, ở trong tương lai hay hiện tại, được coi là vị Chánh đẳng giác đúng nghĩa là Chánh đẳng giác về bốn Thánh đế” . Như vậy sự hiểu biết về Tứ diệu đế đồng nghĩa với sự đạt được mục tiêu của sự tu tập Phật Giáo. Chính Đức Phật đã chỉ dạy nhiều lần, Ngài nói về sự thất bại không hiểu bốn chân lý cao quý khiến chúng ta phải trôi lăn mãi mãi trong lòng sanh tử 4 . Nói bốn Thánh Đế, đó là Khổ, Tập, Diệt, Đạo nhưng thật ra chỉ có Khổ và sự diệt khổ , như Đức Phật đã nhiều lần xác quyết : “ Nhưng lại chỉ dạy một điều duy nhất là Khổ và sự diệt khổ” Vì sao ? Vì ai thấy rõ Khổ đế thì người ấy đồng thời cũng thấy suốt Tứ đế đúng như bậc Đạo Sư đã dạy : “Này các Tỳ Kheo, ai thấy khổ, người ấy cũng thấy khổ tập, cũng thấy khổ diệt, cũng thấy con đường đưa đến khổ diệt. Ai thấy khổ tập, người ấy cũng thấy khổ, cũng thấy khổ diệt, cũng thấy con đường đưa đến khổ diệt. Ai thấy khổ diệt, người ấy cũng thấy khổ, cũng thấy khổ tập, cũng thấy con đường đưa đến khổ diệt. Ai thấy con đường đưa đến khổ diệt, người ấy cũng thấy khổ, cũng thấy khổ tập cũng thấy khổ diệt” 6.
Đây cũng là một cách nhìn triệt để của Đức Phật, chỉ ra nội dung đời sống là khổ, tam khổ, bát khổ và cuối cùng là luân hồi khổ. Có cảm nhận một cách trực diện sáng tỏ chắc chắn như vậy mới khát khao, đi truy tìm nguyên nhân của nó với kế hoạch cụ thể từ hiện trạng này, và nguyên nhân của mọi đau khổ ở đây xuất phát từ mọi hành tác mà ta đã phóng ra bởi sự xúc xiểm của vô minh là thế lực ngu muội nguyên thủy và cái tâm bám víu đeo níu quá mạnh, khát ái về mọi thế trên dương trần một thuở mình đi qua. Sau khi biết rõ hai thế lực tương quan nhân quả ấy, ta bắt đầu chuyển đời bằng ý chí bằng nỗ lực của chính mình để kiến tạo đời sống thánh hạnh tiến lên đạt giải thoát, thành bậc Giác Ngộ ngay đây. Đó là vinh quang cao tột của một kiếp sống con người. Đây là lần đầu tiên duy nhất trong lịch sử tiến hóa mà nhân loại mới có lần thứ nhất, nó được Đức Phật chỉ cách đúng đắn nhất. Liêm khiết nhất cho ta thực hành, không có ai ngoài Đức Phật có cái trí tuệ tuyệt cùng dạy cho ta như vậy.
CHƯƠNG II : NỘI DUNG TỨ THÁNH ĐẾ
Tứ thánh đế – catvariàsatyanu (s)
Catvariàryasacca (p) 11 Bốn chân lý mầu nhiệm, còn được gọi là Tứ Chân đế, Tứ Thánh đế. Gọi là Thánh Đế bởi vì nó là như thật : “Bốn Thánh đế, này các Tỳ Khưu, là như thật, không ly như thật, không khác như thật. Do vậy được gọi là Thánh Đế” 12. Gọi là Thánh Đế bởi vì giáo lý này đưa đến thoát khổ. Đi vào ý nghĩa của Tứ Thánh Đế chúng ta cần thấy rõ thái độ sống như thật, an tịnh, hỷ lạc và đầy giải thoát của Phật giáo.
Mục I - Định nghĩa Tứ Đế
Tứ Đế là bốn chân lý, bốn sự thật ngay đây giữa lòng xã hội cuộc đời. Đế là cái gì chắc hạt, chắc thật không thể đổi khác được. Nguyên tắc nguyên lý là sự nhận thức của con người có trí tuệ hiểu biết về vấn đề nào như 2 với 2 là 4, thì đó là nguyên tắc bất biến, còn đi vào  cụ thể là viết số 2, số 4 thì số ấy bị xóa mất. Nguyên tắc, nguyên lý mang chất thuần khiết bên trên, chỉ đạo, đèn soi cho sự sống. Đời sống nào bất cứ đều phải có sự chỉ đạo hoặc âm thầm hoặc sáng tỏ từ trong chỗ sâu thẳm hoặc từ bên trên hiểu biết cao cả. Tứ Đế là nguyên tắc chỉ đạo cho thái độ nhận thức và thực hiện đời sống đầy ánh sáng và muôn đời bất di bất dịch, đối với những ai khát khao đời sống ấy, ở ngay đây  giữa dương trần gió bụi bời bời này. Nó bao gồm bốn sự thật là khổ, nguyên nhân sự khổ, Niết bàn an vui, và con đường thực hiện nguồn an lạc vĩnh hằng ấy.
Mục I : Khổ đế (DUKKHA)
Khổ : Là trạng thái bất như ý, mọi khát vọng chủ quan bị bác bỏ, thiếu hụt đủ thứ. Là cái gì khó chịu đựng lâu dài. Khổ có khổ về tình cảm, khổ về tinh thần, khổ về thể xác và mọi thứ khách quan xung quanh. Khổ là một kinh nghiệm mà bất cứ hữu tình nào cũng thể hiện hơn một lần ngay bản thân mình, không nhiều thì ít, không một ai trốn thoát cả, chính vì ta đã có thân. Gộp chung lại gồm có ba thứ khổ là khổ khổ, hành khổ và hoại khổ
Tiết 1 - Khổ khổ:
Nghĩa là thân ta là trụ sở kiến tạo bằng vật liệu của khổ rồi, thêm vào đó còn chồng lên những đói khát, những nóng lạnh và bao nổi ê ẩm khác trên đời đổ tới không thôi.
Tiết 2 - Hành khổ :
Là mọi biến động không đứng yên làm ta đau khổ đối với những gì mình cứ ngỡ là vĩnh viễn còn hoài, đứng đó cung cấp cho sự ham thích của chủ quan mình bấy lâu.
Tiết 3 - Hoại khổ :
Là một hữu vi đều sống bằng nội tạng hoặc hoai diệt, không có bất cứ cái gì tồn tại trong không gian, thời gian mà không bị tan biến cả. Trong khổ kinh nói : “Phàm vật có hình tướng đều phải hoại diệt”13. Thực tế vạn vật trong vũ trụ đều bị luật vô thường chi phối, không tồn tại mãi được. Cứng rắn như sắc đá, lâu năm cũng mục nát; to lớn như trái đất, mặt trăng, mặt trời lâu ngày cũng tan rã. Yếu ớt nhỏ nhen như thân người thì mạng sống lại càng ngắn ngủi, phù du ! Các búa tàn ác của thời gian đập phá tất cả. Một phút mỗi giây ta sống, cũng là mỗi phút mỗi giây ta bị hủy hoại. Và dù ta có sức mạnh bao nhiêu, quyền thế bao nhiêu, giàu có bao nhiêu cũng không thể cản ngăn, chống đỡ không cho thời gian hủy diệt đời ta. Ta hoàn toàn bất lực trước thời gian. Tóm lại “Chấp năm uẩn là khổ”(4) . Còn mỗi thân phận con người có khổ về sinh, già, bệnh, tử, khổ về nỗi chia lìa với một cái mình yêu mến, khổ vì phải đối mặt với kẻ mình ghét thù, khổ vì năm yếu tố cấu tạo nên con người là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Món nào vượt cao lên là gây khổ não như người quá bề bộn về thân xác, y cử động tới lui khó nhọc hay đầu tư quá mức bỏ ăn, bỏ ngủ mà chết. Khổ vì mọi mong khát khao không đạt được, thất vọng, hủy mình như trai gái yêu nhau quá mà không lấy nhau được bèn cùng chết cho rồi. Nếu không chết  thì làm sao sống nổi với cái mong cầu mà không thực hiện được ấy ? Và cuối cùng là cái khổ ghê gớm nhất nguy hại nhất  chính là cái khổ luân hồi, tái sinh qua sáu cõi chịu roi vọt tơi bời, bị đá qua lại mềm như trái chuối trong cổng trại luân hồi suốt cả vạn tỷ đời đã trôi qua. Ra khỏi luân hồi là chấm dứt toàn triệt mọi khổ não.
Đức Phật khẳng định khổ là một sự thực, khi còn  sinh tử luân hồi trong ba cõi sáu đường thì khổ đau vẫn còn tồn tại. Với cái nhìn xuyên suốt đến vô lượng kiếp  trong quá khứ Đức Phật cho biết : “Nước mắt của chúng sanh nhiều hơn nước biển”. Đồng thời thấy rõ bản chất khổ đau trong cuộc đời. 14.
Trong kinh từng  nêu lên câu phật nguyện tuyên bố nổi tiếng về thảm họa của luân hồi là : Nỗi khổ đau của lạc đà chở  nặng qua sa mạc nắng thiêu đốt, không gọi là khổ mà cái khổ sâu sắc nhất chính là cái khổ bị kẹt thảm hại trong luân hồi tái sinh không biết đường thoát ra khỏi”

HAI LOẠI KHỔ, BA LOẠI KHỔ, 3 LOẠI KHỔ
PHỐI HỢP VỚI 12 NHÂN DUYÊN, 8 LOẠI KHỔ, 10 LOẠI KHỔ Ở CON NGƯỜI (5 biểu đồ)
 
 

Mục II : Tập đế (SAMUDAYA)
Tập là chứa nhóm, là đậu lại là cội nguồn của khổ, đó là kết quả của lòng khao khát ham muốn bám víu vào mọi thứ trên đời gọi là ái thủ, là hai khoen quan trọng trong mười hai khoen gọi là mười hai nhân duyên. Tư tưởng ham hố quá mạnh ấy là sợi dây nghiệp thức buộc vào bánh xe tái sinh. Đức Phật dạy : “Đây là Thánh đế về khổ tập, này các Tỳ Khưu, chính là ái (Tanhà) này đưa đến tái sinh, câu hữu với hỷ và tham tìm cầu hỷ lạc chổ này chổ kia, tức là dục ái (Kàma  Tanhà), hữu ái (BhavaTanhà) và phi hữu ái (vibhavaTanhà)15  Vô hữu ái (vibhava Tanhà) 16 Đây là những tham ái cứ liên hệ đến tư tưởng đoạn kiến, là khát ái về sự không hiện hữu. Có người nhàm chán cuộc sống sinh tử, không muốn mình hiện hữu cũng không muốn thác sanh, tức là tham ái pháp chân không của niết bàn. Đây là biểu hiện, vô hữu ái (vibhavaTanha) nên nhớ niết bàn là dập tắt hẳn lòng khát ái, chấp thủ. Nếu ái diệt, thì niết bàn có mặt ngay tại cõi đời này. Đằng này tham ái vẩn còn. Dù là khát vọng vô hữu. Chính sự có mặt của khát vọng này là một thứ lửa nung nấu khổ đau, do đó vô hữu ái vẫn là nhân của khổ. Có lẽ cũng cần nên nhớ rằng tham ái không phải chỉ do những thọ khả lạc  và khả ý làm duyên, mà nó cũng còn do các thọ bất lạc và bất khả ý tạo điều kiện nữa, một người đang đau khổ muốn (tham) tống cái khổ đó, và mong mỏi hạnh phúc hay giải thoát. Trong các trường hợp khác cũng vậy người nghèo khó, người túng thiếu, người bệnh hoạn và người tàn tật, tóm lại là những người “đang đau khổ” đều khát khao hạnh phúc, lạc thú và thỏa mãn. Ngược lại những người giàu có, khỏe mạnh nói chung là những người đang thọ hưởng lạc thú, cũng vẫn có tham ái, nhưng đối với các loại lạc thú cao cấp hơn. Như vậy, khát ái hay tham ái này không thể thỏa mãn được, và những người đeo đuổi những lạc thú phù du này lúc nào cũng tiếp thêm nhiên liệu cho ngọn lửa sanh mạng của họ và lòng tham ái này quả là vô độ. Chỉ khi đau khổ tới, như  hậu quả của tham ái, lúc đó người ta mới nhận ra sự khắc nghiệt của loại dây leo quấn mình quanh tất cả những ai chưa phải là bậc A La Hán hay các bậc hoàn toàn thanh tịnh, đã nhổ sạch rễ cái vô minh của nó. Chúng ta càng tham ái nhiều, chúng ta càng khổ đau nhiều, khổ đau là cái giá phải trả cho lòng tham ái này. “Tham ái sanh sầu  lo, Tham ái sanh sợ hãi, ai thoát khỏi tham ái, không sầu không sợ hãi”. 17 . Biết rằng tham ái ở đây là kẻ thù dẫn dắt chúng ta qua bao kiếp luân hồi. Như vậy tại sao ta lại cứ tiếp tục xây dựng ngôi nhà này ? Đức Phật dạy : “Hãy nhổ tận gốc ái (Tanhàya mùlam khanatha)18 .
“ Như  cây bị chặt đốn
   Gốc chưa hại, vẫn bền
   Ái tùy miên chưa nhổ
   Khổ này vẫn sanh hoài” 19
                Vì vô minh nên phát sinh hoặc – nghiệp khổ; vì vô minh nên tham ái vẫn còn, chấp thủ, phiền não. Phiền não thì rất nhiều, nói tóm lược có mười phiền não gốc, gọi là căn bản phiền não, cũng gọi là mười kiết sử. Đó là : Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ, Giới Cấm Thủ và Tà Kiến. Mười món này trói buộc, sai sử con người đi vào con đường lầm lạc khổ đau.
“Nay chúng ta đã biết rõ mặt thật xấu xí của đời rồi, đã biết nó là một biển khổ mênh mông luôn luôn dậy sóng, thì ta phải nhàm chán nó, xa lánh nó. Biết khổ để tìm cách thoát ly, chớ không phải biết khổ để rồi chán đời, nản chí, buông xuôi tay ngồi khóc than. Nhưng làm thế nào để thoát ly nó nếu chúng ta chưa biết rõ ngành ngọn, đường đi nước bước, chưa biết rõ vì đâu mà chúng ta phải khổ. Nhà lương y giỏi muốn trừ bệnh, phải tìm căn nguyên của bệnh. Một viên tướng giỏi muốn trừ diệt tận gốc bọn phiến loạn, phải cho điều tra kỹ lưỡng sào huyệt, tổng hành dinh của chúng ở đâu, nhiên hậu mới có thể bao vây, đánh bắt chúng nó đầu hàng một cách dễ dàng. Cũng vậy biết khổ chưa đủ để diệt khổ, muốn diệt khổ tận gốc phải tìm nguyên nhân phát sinh ra khổ”. 20
Chắc chắn sẽ không một người sáng suốt nào phủ nhận sự hiện hữu của khổ hay bất toại nguyện trong thế gian này. Tuy nhiên cái khó đối với họ là làm thế nào để hiểu được chính tham ái này đã đưa đến tái sanh. Muốn hiểu được điều này ta phải nắm vững giáo lý căn bản của đạo Phật là Nghiệp (kamma) và tái sinh. Nếu khát ái vẫn còn thì sinh tử luân hồi vẫn tiếp tục. Nó chỉ có thể ngừng khi nào sức mạnh điều khiển nó là khát ái bị chặt đứt nhờ trí tuệ  thấy rõ thực tại, chân lý, Niết bàn.
Mục III :  Diệt đế (NIRODHA)
Diệt là tiêu diệt, trừ diệt. Diệt ở đây tức là diệt dục vọng mê mờ, phiền não. Đó là lý lẽ chắc chắn, đúng đắn do trí huệ sáng suốt soi thấu và thuyết minh. Diệt đế, chữ pali gọi là “Nirodha dukkha” tức là sự thật đúng đắn, mà Đức Phật đã thuyết minh về hoàn cảnh tốt đẹp mà mọi người có thể đạt được khi đã diệt hết mọi phiền não, mê mờ. Phiền não, mê mờ là nguyên nhân của đau khổ. Trong kinh nhân quả Phật dạy “Các ông phải biết, vì tập nhân phiền não mới có quả khổ sanh tử, vậy các ông phải chết trừ phiền não tập nhân. Khi đã dứt trừ được rồi, lại thường thường phải nắm chặt chỗ dứt trừ cho chắc chắn, không khi nào nỡ bỏ đến khi chứng được đạo quả niết bàn thì tất nhiên tập nhân phiền não diệt hết, mà quả khổ luân hồi cũng không còn 21. Thế cho biết muốn giải thoát phải tu hành là diệt trừ tập nhân phiền não vậy. Diệt trừ được phần nào tập nhân phiền não là đã bước đến gần giải thoát chừng ấy, như một cái phao; càng bớt dần được chừng nào vật nặng dìm nó xuống, thì nó càng nổi dần lên mặt nước chừng ấy. Đức Phật lại dạy : “Đây là Thánh đế về khổ diệt, này các tỳ kheo, chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái vậy, sự quăng bỏ, giải thoát, không có chấp trước” 22 . Đức Phật làm sáng tỏ “Quả thực, này là Ràdha, sự đoạn tận ái (Tanhàya) là niết bàn”23 . Trả lời câu hỏi của một vị chư thiên, Ngài nói “Đoạn trừ tham ái (Tanhàya – Vippahànena) là niết bàn”24. Còn ngài Xá Lợi Phất thì nói : “Sự nhiếp phục dục tham, sự đoạn trừ dục tham (hay dục khát ái) (chandaràga) đối với năm uẩn, chính là sự diệt khổ (dukkha)”. Nhưng niết bàn không thể được miêu tả, cũng không thể được nhận thức bằng lý trí, vì Niết bàn là Siêu thế, chỉ chứng nghiệm được bằng trực giác mà thôi. Niết bàn là cảnh giới giải thoát, thoát ly ngôn ngữ khái niệm, thoát ly mọi tường trạng diễn đạt, nên không phải là vấn để của khảo sát.
Niết bàn còn được mô tả bằng nhiều khái niệm hay phương tiện chỉ bày của một số kinh điển bằng các từ ngữ rất phủ định như Niết bàn là ái diệt, khổ diệt, tham sân si diệt, v..v… “Đấy là sự chấm dứt rốt ráo của dục vọng; dứt bỏ, chối từ nó, thoát khỏi nó, rứt ra khỏi nó.”25
Khi một tu sĩ ngoại đạo (pariv – ràjaka) hỏi Niết bàn là gì, Xá Lợi Phất (sàriputta), Vị đệ tử lỗi lạc của Phật cũng đã trả lời giống như định nghĩa trên của Phật về vô vi : “Sự diệt tham, diệt sân, diệt si” 26 . “Hữu diệt (bhavanirodha) là niết bàn”27 . Về  sau nói đến Niết bàn Phật dạy : “Hỏi các Tỳ kheo, có cái không sinh, không trở thành, không bị giới hạn, không bị kết hợp. Nếu không có cái không sinh, không trở thành, không bị giới hạn, không được kết hợp thì sẽ không có lối thoát cho cái đã sinh ra, trở thành, bị giới hạn, được kết hợp. . Bởi vì có cái không sinh, không trở thành, không bị giới hạn, không được kết hợp, cho nên có lối thoát cho cái đã sinh ra, trở thành, bị giới hạn, được kết hợp”28. “Ở đây không có chỗ cho bốn đại đất, nước, gió, lửa, những khái niệm dài, rộng, thô, tế, xấu, tốt, danh và sắc đều hoàn toàn bị phá hủy, không có đời này đời sau, không có đến đi, hay đứng, không có chết hay sống, không thể tìm thấy đối tượng giác quan”29. Vì niết bàn được diễn đạt bằng những từ ngữ phủ định như thế, nên có nhiều người đã có một quan niệm sai lầm rằng nó tiêu cực, và diễn tả sự tiêu diệt bản ngã. Niết bàn không phải là sự hủy diệt của bản ngã, bởi vì không có bản ngã nào để hủy  diệt. Nếu có hủy diệt thì đấy là sự hủy diệt của ảo tưởng mà ý niệm sai lầm về ngã gây ra.
Nói Niết bàn là tiêu cực đều không đúng. Những khái niệm tiêu cực và tích cựa đều tương đối, thuộc phạm vi đối đãi. Bởi thế những từ ngữ ấy không thể áp dụng cho Niết bàn là chân lý tuyệt đối vượt ngoài nhị nguyên, tương đối.
Câu chuyện thời danh về con rùa kể chuyện đất liền cho loài cá nghe, cho chúng ta khái niệm rằng, ngôn ngữ chuyên chở ngũ tính của con người hoàn toàn bất lực trong việc diễn đạt Niết bàn. Càng nỗ lực diễn đạt càng tạo thêm ngộ nhận.
Dù không diễn tả được, nhưng quyết định Niết bàn là có thực; nó là thực tại như thật, Ở nơi nào có mặt tuệ giác vô ngã hoàn toàn, ở đó có Niết bàn. 30.
Một trong các đặc tính của Niết bàn là chấm dứt toàn bộ dòng tiếp nối của tái sinh (samsâra) hay tái hiện hữu (bhavacakkha). Theo học thuyết nghiệp và tái sanh một chúng sanh được sanh ra là do các trói buộc của vô minh, tham ái và chấp thủ. Sự chứng đạt niết bàn trái lại bao gồm sự diệt trừ trọn vẹn các trói buộc này bằng cách phát triển tuyệt đối tuệ giác (vijjaa) và trí tuệ (panananaa). Đó là tiến trình chấm dứt luân hồi. Đức Phật và các vị A La Hán khác đã diễn tả một cách kinh nghiệm về sự chấm dứt luân hồi bằng “sanh đã tận, đời sống thánh đã hoàn thành, điều cần làm đã làm, không còn phản tái sanh nữa”31 đạt đến trạng thái : Thường, Lạc, Ngã, Tịnh là không còn ô nhiễm luôn luôn thanh tịnh trong sáng.
Mục IV : Đạo đế (MAGGA)
Đạo đế chơn lý cao thượng thứ tư trong Tứ diệu đế là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ. Trong bốn đế, Đạo đế được xem là tối quan trọng. Vì đây là phương pháp tu tập có khả năng chấm dứt mọi nguồn gốc khổ đau của đời sống con người dẫn đến Niết bàn tịnh lạc.
Trong phần Đạo đế này, là phần quan trọng và được Phật dạy một cách rõ ràng chu đáo : “Đạo đế có 37 phẩm, chia ra làm 7 loại” :
1-     Bốn món Tứ  niệm xứ  (Tứ niệm xứ)
2-     Bốn món Chánh cần (Tứ chánh cần)
3-     Bốn món  như y túc (Tứ chánh cần)
4-     Năm căn (Ngũ căn)
5-     Năm lực (Ngũ lực)
6-     Bảy phần Bồ Đề (Thất Bồ đề phần)
7-     Tám phần chánh đạo (Bát Chánh Đạo Phần)

Tiết 1- Tứ niệm xứ : Tứ niệm xứ là bốn phép tu trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo nghĩa là bốn chỗ mà người tu hành phải luôn luôn quán xét. Đó là :
1- Quán thân bất tịnh : Là quán thân thể mình cũng như mọi người khác, hiện thời chỉ là cái túi da trong đó chứa đầy những thứ tanh hôi, nhơ bẩn, và rồi đây nó sẽ phải chết đi, chưng phình hư thúi cho đến cuối cùng tất cả đều phải hóa thành tro bụi đất cát.
2- Quán Thọ Thị Khổ :
Là quán nghĩ sự cảm thọ về thân tâm thường bị Tám thứ khổ nung nấu ngoài ra còn nhiều thứ khổ khác như : Đói, Khát, Nóng, Lạnh …. bức bách, đã khổ lại càng thêm khổ, nên gọi là khổ khổ. Sự an vui vừa đến chợt đã tiêu tan trong lòng cảm thấy sầu khổ không vui, cảnh ấy tuy là tốt đẹp, nhưng chỉ trong giây phút rồi lại biến mất cầm giữ chẳng được, sinh ra buồn khổ, nên gọi là Hành Khổ.


3- Quán Tâm Vô Thường
Là Quán nghĩ tâm chúng sanh vô thường luôn luôn sinh diệt biến đổi, đối với mọi sự việc chợt vui chợt buồn, chợt thương, chợt ghét, niệm này vừa qua, niệm kia chợt đến, giống như sóng cuồn cuộn chảy nên gọi là tâm vô thường chỉ có tâm Phật mới là chân thường.
4- Quán pháp vô ngã :
Là quán nghĩ ta đây cùng hết thảy sự thật trong thế gian đều do nhân duyên hòa hợp mà hiện ra cái giả tưởng, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, từ chỗ này đến chỗ khác, quanh đi quẩn lại tất cả đều khó có tự thể nên gọi là Vô Ngã, chỉ có pháp thân mới là Chân Ngã. Vậy người tu hành cần phải để tâm quan sát nhàm chán cái chẳng sạch (nhơ bẩn), sự cảm thọ là khổ. Cái tâm thương ghét vô thường, các pháp không có ngã thể, đồng thời diệt trừ cái tâm niệm sai lầm để trở thành cái tâm trong sạch, sáng suốt và giác ngộ.
Tiết II :  Tứ Chánh Cần
Chánh là chánh đáng, cần là siêng năng. Tứ Chánh Cần là bốn công việc siêng năng chánh đáng.
Tất cả công việc thiện đều là chánh đáng. Tất cả công việc thiện đều cần siêng năng chuyên làm. Tất cả việc ác cần siêng năng dứt bỏ. Bốn việc đó là :
1-     Ác vị sanh linh bất sanh :
Việc ác chưa sanh khởi cần phải ngăn ngừa đừng cho phát sanh
2-     Ác dĩ sanh sử trừ đoạn :
Việc ác nào đã sanh ra cần phải dứt trừ hẳn.
3-     Thiện vị sanh sử phát sanh :
Việc thiện chưa sanh cần phải khiến cho phát sanh
4-     Thiện dĩ sanh sử tăng trưởng :
Việc làm lành nào đã sanh ra cần phải làm cho tăng trưởng thêm lên. Người tu hành muốn thành tựu bốn việc trên đây. Trước hết phải kiềm giữ thân tâm không cho sinh những ác nghiệp và gắng gỏi thân tâm làm theo các thiện pháp thì mới mong đạt kết quả tốt đẹp.
            Tiết III - Tứ Như Y Túc :
            Thần là thần thông. Túc ví như hai chân của thân. Thân đứng vững được là nhờ có hai chân. Bốn món thần thông này được sanh ra là nhờ ở thiền định gồm có:
1-     Dục Thần Túc :
Dục nghĩa là mong muốn. Người tu hành hằng mong muốn pháp thiền định mình đang tu một cách tha thiết thì định luật mới nương vào lòng chí thiết đó mà phát sinh, cũng như người đời mong muốn vật dục không bao giờ quen.
2-     Tinh tiến thần túc :
Tinh tiến nghĩa là cố gắng tiến lên. Lòng mong cầu đã có, người hành đạo cần phải kiên tâm bền chí, chuyên chú vào pháp thiền định mình đang tu một cách mạnh mẽ thì định luật mới nương vào sự tinh tiến mà phát sinh, không còn bị trở ngại bởi hoàn cảnh chi phối.
3-     Nhất tâm thần túc
Nhất tâm nghĩa là tập trung tư tưởng vào một định cảnh, Người tu hành muốn diệt hết phiền não chứng được đạo quả thì tâm phải chuyên nhất vào pháp Thiền định mình đang tu một cách vắng lặng, để định luật nương vào lý nhất tâm mà phát sanh, vì tâm có định, trí tuệ mới phát sanh, trí tuệ sanh thì mới có giác ngộ.
4 - Quán thần túc : 
Quán nghĩa là quán xét. Người tu Định đã có trí tuệ và dùng trí tuệ để quán xét pháp thiền định mình đang tu, quán trí ấy do Định mà có, trí ấy là Tịnh trí vì tịnh nên nó có thể như thật và hiểu thấu chân lý của vũ trụ, vạn hữu một cách triệt để.
Người tu theo bốn phép thiền định này sẽ chứng được thần thông tự tại theo ý muốn, cho nên cũng gọi là Tứ Như Y Túc vậy.
            Tiết IV - Ngũ Căn
            Căn là gốc rễ, lực là sức mạnh. Cả hai đều là danh từ dùng để ví dụ. Căn ví như cây có gốc rễ mới có thể sanh trưởng. Lực ví như gốc rễ có bám chắc thì cây mới có thể tốt tươi. Hai duyên đó hòa hợp thì cây mới có đủ năng lực để khai hoa, kết trái. Người cầu đạo cũng thế, nếu có lập được căn bản vững chắc, lại thêm có sức mạnh bền chặt thì mới có hy vọng đạt thành đạo quả.
            Ngũ căn gồm :
1-     Tín căn : Tin pháp Tứ đế và ba mươi bảy phẩm trợ đạo là những đạo lý chân thật.
2-     Tấn căn : Tinh tiến cầu đạo quyết không bao giờ thối bỏ.
3-     Niệm căn : Tâm thường suy nghĩ đến những đạo lý trên, không khởi ra những tư tưởng tạp nhiễm.
4-     Định căn : Tâm với đạo hợp làm một, không cho nó tán loạn ra bên ngoài.
5-     Tuệ căn : Quán Sát nghĩa lý Tứ đế là con đường để đi đến bờ giác ngộ.

Tiết V  - Ngũ Lực :
1-     Tín Lực : Có sức mạnh của lòng tin chánh pháp, không chịu tin theo các tà tuyết của ngoại đạo làm mê hoặc cám dỗ, không vì hoàn cảnh đổi thay mà ngã lòng thối chí.
2-     Tấn Lực : Sức mạnh của tin tấn, không ngại gian nan khó nhọc, đã phá mọi hủ tục dị đoan và mạnh mẽ tiến lên đường đạo giải thoát.
3-     Niệm Lực : Sức mạnh của Chánh Niệm, hễ Tạp Niệm nỗi lên lập tức dứt bỏ khổng để nó tiếp tục sanh nữa.
4-     Định Lực : Sức mạnh của tâm định, trong tâm không loạn động và ly khai hết những khuấy rối của hoàn cảnh bên ngoài.
5-     Tuệ Lực : Sức mạnh của Trí Tuệ dùng trí tuệ phá trừ vô minh, khiến thân tâm hoàn toàn sáng suốt.

Tóm lại, Ngũ Căn là năm căn bản để phát sinh tất cả thiện pháp, còn Ngũ Lực là năm sức mạnh của Ngũ căn làm cho Ngũ căn được bền chắc và hoạt động đắc lực các thiện pháp.
Tiết VI - Thất Bồ Đề Phần :
Thất Bồ Đề Phần hay Thất Giác Tri đó là bảy phương pháp tu hành để chứng thực vô lậu trí tuệ, gồm :
1-     Trạch pháp giác chi :
Tất cả sự lý đều phải dùng trí huệ để quán xét và lựa chọn cho thật kỹ càng nào là chánh là tà, pháp nào là lành, pháp nào là dữ để tránh .
2-     Tinh tiến giác chi :
Tu học Phật pháp cố nhiên là phản tinh tấn nhưng không tin tấn trên con đường cực đoan vô ích, quá khổ hạnh và quá vui sướng, mà cố gắng tu hành theo trung đạo Phật Pháp, là đạo lý thích trung không thái quá, không bất cập.
3-  Hỷ giác chi : Tâm ngộ nhận được Phật Pháp tự nhiên sanh vui mừng gọi là Pháp Hỷ, nhưng nếu hiểu rõ pháp có liễu nghĩa và bất liễu nghĩa vậy phải nhận thức chính chắn không nên lầm lẫn.
4  – Khinh an giác chi : Người tu hành cố gắng tu tập nên phiền não được diệt trừ trí tuệ được khai minh và thân tâm được tự tại khoan khoái nhẹ nhàng.
5  – Xã giác chi : Lìa bỏ hết thảy vọng hoặc chấp trước nơi nội tâm và các pháp ở ngọai cảnh, vì đều là hư vọng chẳng thật, đã xã rồi không nên nóng lòng nghĩ tới.
6 – Định giác chi : Tập trung tâm tưởng vào một định cảnh không tán loạn cũng không hơn trầm vô ký.
– Niệm giác chi : Là quán nghĩ ghi nhớ. Niệm ví như ông thầy thuốc coi bệnh, sáu giác chi trên ví như những vị thuốc. Người tu hành cần phải luôn luôn nhớ nghĩ đến chánh pháp để Định và Lực được quân bình.
Huệ thiếu, tức tâm thần bị mờ ám nên phải dùng ba giác chi : Trạch pháp, Tinh tấn và Hỷ để cân nhắc.
Định thiếu tức tâm thần bị xao động, nên phải dùng ba giác chi : Khinh an, Xã, Định để được an ổn.
Tiết VII  – Bát chánh đạo
Chân là chân chánh, ngay thẳng. Đạo là con đường. Bát chánh đạo còn được gọi là con đường Trung đạo (Majjhimàpatipadà) vì nó tránh hai cực đoan : Lợi dưỡng là đắm mình trong dục lạc được xem là thấp hèn, dung tục và dẫn đến nguy hại là một cực đoan. Tự hành hạ mình bằng các hình thức khổ hạnh nghiêm khắc dẫn đến đau khổ, thấp hèn và nguy hại là một cực đoan khác. Trung đạo là con đường độc nhất đi đến giải thóat hết thảy các lậu hoặc . Đức Phật dạy :
“Nầy các vị tỳ kheo, đây là diệu đế con đường diệt khổ, đó chính là con đường (Bát Chánh đạo) : Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định” 32

Ngài đã tìm ra Trung đạo bằng kinh nghiệp của chính Ngài, và thấy nó “Đem lại tri kiến, đưa đến an tịnh, trí tuệ, giác ngộ, Niết bàn”. Trung đạo này thường được gọi là (Bát chánh đạo) con đường thánh tám ngành (ariya attanggi ka magga) vì nó có tám phần :
1 – Chánh tri kiến (sammà ditthi)
Sự thấy, hiểu biết chân chánh. Chánh trực hay nhận thức đúng, rõ ràng như thật. Nikàya 33 Định nghĩa chánh tri kiến “ Chánh Kiến chính là sự hiểu biết về khổ (Dukkha) hay tính chất bất tọai nguyện của mọi hiện hữu duyên sanh hiểu biết về nhân sanh khổ, về sự diệt khổ và con đường dẫn đến sự diệt khổ” 34 . Người có Chánh Kiến thấy như thế nào thì nhận đúng như thế ấy, không lấy trắng làm đen, xấu làm tốt, dở làm hay, hay trái lại. Sự nhận xét sự vật của người ấy không bị tập quán, thành kiến, dục vọng ngăn che hay làm sai lạc. Chánh tri kiến có hai loại.35 Thấy có bố thí, có cúng dường, có lễ hy sinh, có quả báo có các nghiệp thiện ác, có đời này có đời khác, có mẹ có cha, có các loại hóa sinh, ở đời có các bậc Bà la môn, như vậy là chánh kiến hữu lậu.
Phàm cái gì thuộc tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, Chánh kiến, đạo chí của một vị thành thục Thánh đạo A – la – hán, có vô lậu tâm, chánh kiến, như vậy là chánh kiến vô lậu, siêu thế. Làm cho đèn huệ sáng ngời, tiền trần không phương che ám được.
2– Chánh tư duy (Sammà sam kappa) :
Tư suy là suy nghĩ, nghiệm xét, nó thuộc về ý thức, chánh tư duy là suy nghĩ, xét nghiệm chân chánh, tư tưởng đúng với lẽ phải. Đức Phật dạy : “Chánh tư duy là những tư duy về sự xuất ly (các dục), tư duy về tâm từ hay vô sân, và tư duy vô hại hay bi mẫn”. Tư duy ngược lại là Tư duy36.
Người tu theo pháp Chánh tư duy, thường xét nghĩ đạo lý cao siêu, suy tìm thể tánh nhiệm màu, biết xét những hành vi lỗi lầm, những ý nghĩ sâu xa để sám hối, biết suy nghĩ về ba món vô lậu học : Giới, Định, Huệ để tu giải thoát ; biết suy xét vô minh là nguyên nhân đau khổ, là nguồn gốc của tội ác và tìm phương pháp đúng đắn để tu hành hầu giải thóat cho mình và cho người.
3- Chánh ngữ (Sammàvàlà) :
Do có hiểu biết và tư duy đúng đắn, lời nói và ngôn hạnh của hành giả cũng nhu hòa, chánh trực. Luận Thanh tịnh đạo (Visudhi Magga) ghi :  “Khi hành giả thấy và tư duy như vậy (từ trên cơ sở bốn sự thật và duyên khởi – vô ngã) sự từ bỏ tà ngữ của vị ấy, một sự từ bỏ ác ngữ nghiệp gọi là Chánh ngữ” 37
Trong kinh ví dụ cái cưa 38 , Đức Phật dạy về năm lọai ngữ hành mà một người tu tập Chánh ngữ cần thực hành :
-         Nói đúng thời, không nói phi thời;
-         Nói lời chân thật, không nói lời hư nguy;
-         Nói lời nhu hòa, không nói lời thô bạo;
-         Nói điều lợi ích, không nói điều vô ích;
-         Nói lời xuất phát từ lòng từ, không nói lời xuất phát từ lòng sân;
Người tu theo Chánh ngữ rất thận trọng lời nói, trước khi muốn nói gì phải suy nghĩ coi có lợi ích và chân thật không “Xưa Đức Khổng tử vào viếng chốn cổ miếu, thấy bức tranh họa một hình người bị kẹp miệng ba lần, Ngài dạy lại môn đồ phải cẩn trọng lời nói”39
“Ngày xưa, trước khi Đức Phật nhập niết bàn, có đệ tử hỏi :
-         Bạch Đức Thế Tôn, khi Thế Tôn nhập Niết bàn rồi, người đời sau gặp nhiều sách vở ngoại đạo không sao phân biệt với Kinh Phật, như thế biết tin theo lời nào tu ? Phật dạy : - Chẳng luận là lời nói của ai miễn lời nói ấy đúng sự thật hợp chân lý cứ tin theo mà tu.
-          
Vậy phàm những lời nói ấy đúng lý, hợp lẽ, có lợi ích cho tòan thể chúng sanh là chánh ngữ. Những lời nói ấy chúng ta phải tin theo và tập nói cho đúng như thế”40
4 – Chánh nghiệp (Samma Kammanta)
Nghiệp (Kamma) là hành vi có tác ý. Một hành động hay hành vi xuất phát từ nhận thức và tư duy chân chánh được gọi là Chánh nghiệp. Ngược với Chánh nghiệp là tà nghiệp. Sự từ bỏ các hành vi bất thiện thuộc tà nghiệp như giết hại, chiếm đọat tài sản của người khác, làm tổn hại đến quyền lợi, nghề nghiệp địa vị danh giá, hạnh phúc, tánh mạng của người khác. Người theo đúng chánh nghiệp bao giờ cũng tôn trọng lương tâm nghề nghiệp của mình, luôn luôn hành động có lợi cho mọi người, mọi vật, và nếu cần, có thể hy sinh quyền lợi hay tánh mạng của mình để giải thoát nỗi đau khổ cho người khác.
Ngòai ra cũng còn gọi là chánh nghiệp khi dùng trí huệ để quán tưởng những pháp chân chính, hoặc ngồi thiền, niệm Phật, hoặc trì tụng, kinh hành, để giữ gìn thân, khẩu, ý ba nghiệp cho thanh tịnh.
5 – Chánh mạng (Sammààjìva)
Mạng là sự sống, đời sống. Chánh mạng là sanh sống một cách chân chính bằng nghề nghiệp lương thiện, trong sạch của mình. “Người theo đúng chánh mạng, sống một cuộc đời ngay thật, không gian tham, không làm giàu có trên mồ hôi, nước mắt của người khác, không làm cho người và vật phải đau khổ, vì nghề nghiệp của mình. Không buôn bán sát hại loại súc vật để giết lấy thịt, mua bán người (làm nô lệ), các lọai rượu và chất say, mua bán độc dược, heroin, vũ khí … để làm lợi riêng mình”. 41 Người theo đúng Chánh mạng sống một cuộc đời có ý nghĩa lợi mình, lợi người, xứng với ba bữa cơm mình ăn, manh áo mình mặc chứ không ăn không ngồi rồi, sống bám vào người khác.
Người theo chánh mạng sống đúng Chánh pháp, không mê tín dị đoan và biết thân tứ đại vốn vô thường, nên lấy tịnh giới làm thể, lấy trí huệ làm mạng, bỏ niệm vọng cầu, an vui với chánh pháp.
6 – Chánh tinh tấn (Sammà và yàma) :
Là sự nổ lực siêng năng, chuyên cần, thẳng tiến mục đích đã vạch sẵn. Không vì một một lý do gì mà lùi bước. Chánh tinh tấn là chuyên cần siêng năng làm việc chánh nghĩa, lợi lạc cho mình cũng như cho người và vật “ Người theo đúng chánh tinh tấn, trước tiên bao giờ cũng hăng hái sửa mình, cương quyết bài trừ những điều ác, quyết tâm phát triển mọi hạnh lành, người theo đúng chánh tinh tấn dũng mãnh tiến lên trên đường đi đến giải thóat, cho đến lúc nào đạt được mục đích cao cả, cùng tột ấy mới thôi”.
Nói tóm lại, người theo đúng Chánh Tinh Tấn, quyết tạo nghiệp vô lậu xuất thế gian, lấy chánh trí làm mãnh lực, lấy niết bàn làm chỗ quy hướng, một lòng chẳng nể, muôn kiếp không dời, quyết gắng công phu, định thành đạo quả, để trước tự độ, sau hóa độ chúng sanh.
7 – Chánh niệm (Sammàsâti)
7.2  – Chánh ức niệm : là nghĩ nhớ đến các điều lổi lầm để thành tâm sám hối, và nghĩ nhớ đế Tứ Trọng Ân : Ân Cha Mẹ, Ân Tổ Quốc, Ân Chúng Sinh và Ân Tam Bảo để lo báo đền.
7.1  – Chánh quán niệm : là dùng tâm từ bi xét nghĩ cuộc đời là khổ não, tật bệnh, mê mờ mà chúng sanh đang mắc phải, để mở rộng lòng yêu thương và quyết ra tay cứu độ.
Người theo đúng chánh niệm, thường quán sát cảnh chân đế, năng tưởng niệm các trợ đạo, bất luận ở đâu và làm gì, cũng nhớ nghĩ đến cái quả vô lậu xuất thế gian, di trải qua bao nhiêu số kiếp cũng không thối tâm xao lãng. 42
8 – Chánh định (Sammasamàdhi) :
Đức Phật dạy :” Tỳ kheo ky dục, ly pháp bất thiện chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ….. xá lạc xá khổ diệt hỷ ưu dã cảm thọ, trước chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc xả niệm thanh tịnh. Này các tỳ kheo đây gọi là Chánh định” 43. Chữ “Định” ở đây là tập trung tư tưởng vào một vấn đề gì, để thấy cho rõ ràng, chính đáng, đúng với chân lý có lợi ích cho mình và người” 44, người theo đúng chánh định, thường tập trung tư tưởng để quan sát những vấn đề chính sau đây :
8.1         Quán Thân Bất Tịnh (Bất Tịnh Quán) tức là quán tưởng thân không thanh tịnh để trừ tham dục, si ái.
8.2         Quán Từ Bi (Từ Bi Quán) lá quán tưởng tất cả chúng sinh đều là một chân tâm, bình đẳng không khác, để đọan trừ thù hận, và mở rộng lòng thương yêu để cứu độ họ.
8.3         Quán Nhân Duyên (Nhân Duyên Quán) : là quán tưởng tất cả pháp hữu tình như muôn vật, vô hình như tâm niệm đều là giả hợp, duyên nhau mà có, chứ không có một cách chân thật, không trường tồn để đoạn trừ ngu si pháp chấp.
8.4         Quán Phân Biệt (Giới phân biệt Quán) :
Nghĩa là phân biệt và quán tưởng sự giả hợp của mười tám giới, sáu căn, sáu trần, sáu thức để thấy không thật có “ngã pháp ngõ hầu diệt trừ ngã chấp, pháp chấp”.
8.5     Quán Hơi Thở (sổ tức Quán) :
Nghĩa là quán tưởng bằng cách chuyên chú đếm hơi thở ra vào để đối trị sự tán loạn của tâm thức” 45

MỤC V : VÀI NHẬN THỨC VỀ GIÁ TRỊ TỨ THÁNH ĐẾ
Tiết 1 : Nhận thức
Tứ đế là nguyên tắc thiết thực, nó chỉ đạo cho người biết sống, xây dựng đời sống minh triết cho mình. Khi nắm vững tòan bộ nội dung cuộc sống với bốn bề trên dưới trước sau, ta thấu ngộ vị trí giao điểm mà hướng tầm nhìn chánh kiến để thấy đường ta đi. Ta không còn dại khờ vào chờ đợi ngũ dục với mọi quảng cáo ấm êm tạm bợ mà bỏ mất cơ ngơi trí huệ lộng lẫy. Ta sống với tĩnh niệm ngời sáng muôn phần so với ngu tối trước kia. Ta không còn bị vướng vào lưới bẫy tà kiến giăng mắc khắp lối dương trần.
Truy tìm tới chỗ rốt cùng của đời sống, của thân phận mỗi chúng sanh, thấu biết nó là kết quả từ tâm lý ái thủ, vô minh mà ra. Hiện đời này, bao tâm lý ái thủ là tối quan trọng, là tâm lý bấu chặt gom về mọi thứ cho bản ngã ham hố. Từ đó đẻ ra ngã sở  ái, là cái mà ta ưa thích. Bản ngã là trung tâm, trụ sở cho mọi gom về ấy. Từ gom về bởi ái thủ quá mạnh nên những gì lọt khỏi tầm tay là gieo đau khổ cho ta, từ đó ta hành tác tạo nghiệp ác, siết chặt cổ mình vào thêm bao đau thương khổ lụy, thế nên khôn hồn là sau khi phân tích nguyên nhân, thấu biết được thì phải lập chí xuất ly. Là nỗ lực gỡ mình ra khỏi sự cuốn hút của thói quen từ vạn tỷ đời nay là sống xuôi theo tham đắm, theo khích động khủng khiếp của ngũ dục để rồi nó nhận chìm không xót thương ta vào cuộc tái sinh chịu roi vọt bi đá của mụ già vô minh tham ái mãi mãi.
            Đời sống cũ mòn ấy là đời sống mắc nợ, là đời sống thua lỗ, là đời sống đầy sự đen tối, bịnh hoạn thất bại. Giờ phút này tĩnh hồn sống với khẩu lệnh vô nhiễm, với xã ly, đoạn ái. Đó là tắc máy luân hồi.
Tiết II : Giá trị :
Trãi mấy nghìn năm, nhân loại từng bước tiến lên đài tri giác, mới lần hồi có được nội dung văn minh rực rỡ như hiện nay về những chuyến đi về Liên hành tinh nhân loại với hệ thống vệ tinh viễn thông quét qua bầu trời. Ngày nay con người có cái nghe, nhìn của họ được nối dài như phép thần thông. Trái đất trở nên bé xíu. Mặt trời là tổ quốc của thái dương hệ đang bị thăm dò. Nhìn tổng quát, nhân loại có tiến về mặt trí hiểu biết, nhưng về tâm tính nhân loại thì chưa tiến được bao nhiêu, mà con người bất cứ đâu cũng vẫn với những buồn thương, giận ghét, oán thù với nhịp lên xuống của tham đắm. Và bất cứ xã hội nào cũng không biết bao số phận hẩm hiu. Con người là chỗ mọc ra vấn đề, không bao giờ chấm dứt được với cảnh thiên đường hạ giới. Và trong hoàn cảnh của tình hình mới, văn minh mới con người lại còn vướng khổ khác về bệnh tật, thậm chí nguy hại như siđa. Và bao nỗi lo toan ngút trời khác. Vậy thì vấn đề giải trừ đau khổ vẫn còn phải được nói đến mãi mãi.
            Trong hoàn cảnh văn minh lộng lẫy vật chất này, Tứ Đế có phải là biểu thị cho một nền văn minh già cỗi, hủ lậu chăng ? Vấn đề này, nhiều người chưa có tầm suy tư chắc hạt, họ bảo : “Đạo Phật là gì mà cứ nói đến cái khổ, … ôi chán quá, đó là biểu thị cho nền văn minh già cỗi, hủ lậu” 46. Điều ấy có đúng chăng ? Đạo Phật đâu có cấm ai vui chơi giải trí thụ hưởng bình minh trên biển, hay chiều tà gió mát trời đất choàng minh mị êm đềm trong cảnh nên thơ. Cái khổ ở đây, nói cho cùng là sự bưng bít, không biết lối ra khỏi tái sinh bầm dập. Đạo Phật thiết thực chỉ ra hiện trạng dù ai có thể né tránh hiện trạng bi thương, vì bất lực như đà điểu vùi đầu vào cát, run sợ vì thấy sư tử đuổi mình. Đạo Phật lay tĩnh, làm cho ý chí con người hùng mạnh lên, dám đọ mình với sự thật để lãnh hội nó một cách thẳng thắn. Biết giá trị tối cao là đời sống hướng thượng đi lên với trí tĩnh táo, biết mình sống đây có giá trị gì ? Và đời sống của ta đâu phải lao qua dương trần ăn ngủ thỏa thích rồi chết là trọn gói tan hết. Không gì đáng nói. Nếu không có cái gì còn lại cao quí, thì đời ta không khác gì đời sống của động vật, tan rã như muôn đời cây cỏ ? Đạo Phật với sự giác ngộ cao thượng. Cái tối thượng ở chỗ là đã chỉ hướng cho con người từ chỗ tối tăm, rồi nhận biết và đem lại sự giải thoát tiến lên đời sống bất diệt.
            Như vậy Tứ  Đế trang bị đúng mức cho ta một thái độ nhận thức đến bờ khôn ngoan, không làm mất oan uổng giá trị một kiếp sống ngay đây. Kiếp sống hữu hạn này, với tấm thân này, thoát khỏi mọi khổ lụy hàng tỷ kiếp, thì đó là giá trị hiện thực không thể chối cãi. Đạo Phật chỉ ra biện pháp thực hiện cụ thể nhất, đúng nhất để ta tạo dựng lại đời sống cao quí ra đi từ chỗ chuyển hóa tâm hồn, có an lạc, có lòng thương thì đời mới vơi nỗi khổ được. Văn minh vật chất không hoàn toàn không tạo được hạnh phúc lâu bền.


CHƯƠNG III  : KẾT LUẬN
Tính chất cao ngời sáng tỏ của Pháp Tứ Đế chính là lần đầu tiên trong hàng ngàn năm, nội dung cuộc đời, giá trị kiếp sống nơi bản thân con người được đem ra đặt lên thảm xanh ý thức để truy tìm cội nguồn gây đau khổ, cội gốc đem lại đời sống an lạc. Đạo Phật trên căn bản là một phương pháp sống minh triết khôn ngoan, thế nên từ buổi khai pháp tịch, từ buổi bình minh chân lý được trao truyền với pháp Tứ Đế.
            Đức Phật đã nhằm thẳng vào hành tác cứu giúp con người. Điều ấy trong gần năm mươi năm khai hóa mọi tâm hồn cho những ai có cơ may gặp Ngài trong suốt lưu vực sông Hằng cảm nhận được từ lực. Cũng như thượng trí mà Ngài đã gieo rắc cho họ. Từ đó họ đạt được hạnh phúc Niết bàn chân thật nhất. Qua hơn 2551 năm lưu truyền đến sông nọ, núi kia, Đạo Phật vẫn trung thành mãi mãi với định thức như một khẩu lệnh sáng tỏ muôn đời là chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc cho ai nấy trong dương trần khi họ có khát khao tìm hiểu đâu là nẻo về, đâu là bến đò cuối cùng của chuyến đi buôn qua dương trần huyễn mộng này.
            Chỉ trong Đạo Phật mới có cái đặc biệt này là nói đến khả năng thành Phật của mọi con người, vì chỉ có Đạo Phật mới xác nhận lồng lộng lên rằng ai nấy đều có khả năng thành Phật nhờ nguồn hạt nhân của nó là ý chí, nguyên lực mà không loài nào có ngoài con người. Các Phật tu kiếp chót thành Phật thì cũng ở trong kiếp người này mà thành Phật. Điều đó nhằm tạo một tân khí tượng cho linh thức con người, có kẻ đã giác ngộ từ thân phận con người, ta có gương hành động ngay đây khiến tâm hồn ta khoáng đạt bay lên như cánh chim thần kích thích  rằng ta cũng có khả năng tuyệt quí ấy.
            Tứ Đế là nguyên tắc sống đời sống minh triết, điều ấy như ta lên tới đỉnh của núi cao, nhìn xuống đồng bằng thu mọi cảnh vào nhãn tuyến thấy biết hết mọi đường qua lối lại trong đồng bằng đời sống dương trần, không còn u mê hành tác mọi việc khiến mình mắc vướng lại trong bến cồn đau khổ nữa. Nguyên tắc luôn luôn là cái gì trên cao nhưng lại tối cần thiết, nó là trí khôn chỉ đường cho ta đi. Tạo thành hệ thống ý thức cho sự hoạt động mọi thứ của thân, khẩu, ý.
            Như thế, Tứ Thánh Đế rõ ràng được trình bày theo mối quan hệ nhân quả, trong phạm vi của mỗi nhóm với nhau cho thấy : Chân lý thứ nhất (chân lý khổ) là kết quả của chân lý thứ hai (chân lý về nguyên nhân), trong khi chân lý thứ ba (chân lý về chấm dứt khổ) là kết quả của chân lý cuối cùng (chân lý về Đạo). Bất cứ Pháp hữu vi nào, hay khổ đau nào có mặt cũng có nguyên nhân của nó, người tu tập nhận rõ nguyên nhân chính của khổ đau đó thì tất nhiên sẽ cùng lúc thấy rõ sự biến mất của nó và con đường (hay phương pháp) để loại bỏ nó, Đức Phật đã tuyên bố :
“Ai thấy khổ người ấy cũng thấy khổ tập, cũng thấy khổ diệt, cũng thấy con đường đưa đến khổ diệt”. 47
            Đức Phật nhiều lần lặp lại trong các kinh Nikàya và A Hàm rằng : “Từ trước đến nay Như  Lai chỉ dạy một điều duy nhất là khổ và sự diệt khổ” 48 . Đối với Đức Phật thì toàn bộ lời dạy của Ngài chỉ nhằm để hiểu về Dukkha, tính chất bất toại nguyện của mọi hiện hữu duyên sanh và hiểu con đường thoát khỏi tình trạng bất toại nguyện này.
            Điều này còn mang ý nghĩa toàn bộ giáo lý đều được quy vào, thu vào Tứ Thánh Đế. Tương tự, Tôn Giả Xá Lợi Phất đã tuyên bố : “Ví như tất cả dấu chân của mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này lớn nhất trong tất cả dấu chân, cũng vậy, chư hiền giả, tất cả thiên pháp đều tập trung trong Tứ Thánh Đế.
            Tứ Thánh Đế là giáo lý căn bản của Đạo Phật, không phải riêng đối với tiểu thừa mà chung cho cả Đại thừa nữa. Người tu hành muốn có một kết quả chắc chắn, không thể bỏ qua Tứ Thánh Đế được.
            Mong rằng rồi đây khi đối diện với những hiện tượng khổ đau trong đời sống bình nhật sanh, già, bệnh, chết, thương yêu xa lìa, thù ghét gặp gỡ, sầu bi, thất vọng, tuyệt vọng v..v… Chúng ta sẽ không còn sợ hãi, bi ai, mà trái lại chúng ta biết bình tâm dùng chánh kiến tìm ra nguyên nhân, chủ động tu tập để có thể dứt trừ tận gốc mọi khổ đau. Như thế Đức Phật Thích Ca đã làm đầy đủ nhiệm vụ của kẻ dẫn đường cho chúng ta đi từ cõi đời đen tối đến quả vị A – La – Hán. Ngài đã đặt vào tay chúng ta một bản đồ chỉ dẫn rõ ràng về cuộc hành trình và ban cho chúng ta đầy đủ phương tiện cần thiết trong chuyến đi vĩ  đại ấy. Chúng ta chỉ còn lên đường và bước tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét