14 tháng 6, 2013

Triết lý và thực tiễn của Pháp môn Tịnh Độ – Phần IV

Phật thất viên mãn

Chúc mừng chư vị! Chúng ta có đầy đủ phước duyên tham gia Phật thất bảy ngày, công đức bảy ngày đến đây đã viên mãn, có gieo nhân ắt sẽ gặt được quả. Chúng ta gieo nhân xuất thế gian thì nhất định sẽ lìa khổ được an lạc. Chúng ta cùng nhau hồi hướng công đức niệm Phật bảy ngày đến tất cả chúng sinh đồng sinh về Tịnh độ.



Ngày nay, chư vị sẽ trở lại thế gian. Điều mà chúng tôi muốn nhắn nhủ cùng chư vị là phải luôn nhớ bài kệ cảnh tỉnh của ngài Duy-ma: “Ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước, nào có chi vui. Đại chúng hãy cùng nhau tinh tấn, tu tập hết mình, nhớ đến vô thường, chớ nên phóng dật”.


Ngày mai đây, chúng ta về lại tổ ấm gia đình, trở lại công việc thế gian. Chư vị phải luôn nhớ rằng, mạng sống chúng ta mỗi ngày mỗi ngày trôi qua là tiến dần đến cái chết. Chúng ta phải luôn nghĩ mình như con cá đang ở trong một hồ nước vào mùa nắng hạn, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày nước cạn. Những con cá ở trong đó làm sao vui để mà sống được, vì mạng sống của chúng như đèn treo trước gió, có gì là vui! Chúng ta cũng như vậy, đã mang thân người tức phải chịu bốn quy luật, sinh, lão, bệnh, tử, không có một ai tránh khỏi định luật đó. Sự chết sống chúng ta nào ai biết được, mà chỉ biết rằng mình rồi cũng chết. Cổ đức có nói: “Sinh hữu kỳ, tử vô hạn” là vậy.


Phật dạy chúng ta cảnh đời này là vô thường, là giả tạm, thân này do Ngũ uẩn hợp lại mà thành, đủ duyên là hợp lại, hết duyên phân ly, không có gì là thật cả. Thân đã không thật, vạn vật trong vũ trụ này cũng không có gì trường tồn bất diệt, mà tất cả đang thầm lặng biến đổi không ngừng, đến một lúc nào đó rồi cũng bị diệt thôi. Cho nên, chư vị phải có Chánh kiến, thấy được thế gian là như vậy, để rồi làm sao? Để rồi phải cố gắng nỗ lực tu hành, không nên phóng dật như người thế gian. Chúng ta là đệ tử Phật, Phật nghĩa là giác là giác ngộ, giác ngộ về cái gì? Giác ngộ về vũ trụ nhân sinh là vô thường, vô ngã, thế gian này là khổ đau, tất cả vạn vật không có trường tồn, mạng sống con người như điện chớp, như sương sớm, như dây leo thành giếng, không thể trường tồn mãi. Phải giác ngộ như vậy thì mới có được tâm buông xả để lo chuyên niệm Phật. Người thế gian sở dĩ họ khổ đau cũng do chấp trước thân này là thật, tất cả đều là thật, cho nên lo tham đắm tạo nghiệp, rồi mãi mãi trôi lăn trong vòng sinh tử khổ đau, không ngày giải thoát. Còn chúng ta là người tu theo Phật pháp, phải nương theo chánh pháp mà giác ngộ.


Mai đây, chư vị về nhà rồi, cần phải luôn ghi nhớ những đều đó. Nhớ không được tham đắm như người thế gian, hãy mau mau công phu niệm Phật, phát tâm chí thành xưng niệm danh hiệu Phật. Bảy ngày công phu ở đây tuy rất ngắn ngủi, song cũng có thể giúp được chư vị phần nào trong việc phát khởi tín tâm mà niệm Phật. Thời gian trôi qua không có đợi chờ một ai cả. Mỗi ngày trôi qua là mạng sống giảm dần, chúng ta càng tiến dần đến cái chết. Cho nên, kính thỉnh chư vị hãy mau mau gấp rút tu trì, vì thân người khó được, một khi mất thân rồi biết có tìm lại được không. Chúng ta phải chí thành tin sâu, nguyện thiết niệm Phật, vì đời mạt pháp này, chỉ có niệm Phật mới giải quyết được sinh tử thôi. Chúc chư vị niệm Phật thành tựu vãng sinh, chúng ta hãy cùng nhau hẹn gặp lại tại thế giới Tây Phương vậy!


Nam mô A-Mi-Đà Phật!

Mấy lời tâm huyết

Thuyết pháp giảng kinh, viết sách giáo lý nhà Phật hoặc in kinh sách đem phát cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ, được như thế hạnh phúc không gì bằng, đó gọi là pháp thí.


Nếu không đủ điều kiện làm những việc ấy, chúng ta thỉnh một số kinh sách chịu khó đem đến từng nhà cho mượn đọc, sau đó lần lượt cho nhà khác mượn, hoặc đọc cho kẻ khác nghe, nhất là cho người không biết chữ. Việc làm này quý giá vô biên, đây cũng gọi là pháp thí.


Chính đức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí, pháp thí có công đức lớn nhất, không công đức nào có thể sánh bằng”.


Tưởng về lợi cũng như về danh, chúng ta đừng nên lo nghĩ, mà điều tối cần là làm sao cho rạng rỡ chánh đạo. Đó là mục đích chính, thiêng liêng và cao cả nhất của chúng ta. Nền móng đạo pháp cần nhờ sự chung lưng góp sức của chúng ta. Vậy mỗi người nên xây đắp vào đó một ít vôi, một ít nước, một tảng đá hay một viên gạch v.v… ngõ hầu cái nền móng ấy được thêm bền vững và kiên cố đời đời.


Chúng ta không nên quan niệm về công đức, hãy nên nghĩ nhiều đến những người lầm đường lạc lối, sống trong vòng tội lỗi không lối thoát xung quanh chúng ta. Hãy mau cứu vớt họ, cảnh tỉnh họ để cùng quay về chân lý, giúp họ tìm ra lẽ sống, niềm vui. Được thế, chính ta đã làm lợi ích cho Phật pháp vậy.


Với hoài bão cuộc đời, chúng ta hãy “Tất Cả Vì Phật Pháp”. Hy vọng mấy lời tâm huyết này được nhiều vị hảo tâm in kinh sách cho mọi người xem!


Được vậy, niềm phúc lạc vô bờ chắc chắn sẽ đến với chúng ta! Tha thiết mong mỏi như thế!


Tặng cho thân nhân một số tiền nhỏ, lòng mình không vui, nhưng mình không đủ sức tặng nhiều hơn nữa. Chỉ có một cách là tặng các loại sách tu hành để xây dựng cho đời sống thanh cao, thì dù một quyển sách giá chỉ vài ngàn, nhưng vẫn quý hơn tiền trăm bạc triệu.


Quý vị nào muốn phát tâm ấn tống kinh sách, xin liên hệ: CHÙA HOẰNG PHÁP, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: 7130002–7133827.

Thích Tâm An



http://chuahoangphap.com.vn/books.php?book_id=133

5 tháng 6, 2013

Có ai ở đời mãi đâu mà giận với hờn

Hỷ xả là cái đức rất cần thiết và quý báu cho cuộc sống hiện tại của chúng ta. Muốn được vui, muốn được tươi đẹp, sống lâu thì chúng ta phải tu hạnh hỷ xả.


Người nào ôm lòng phiền hận thì đau khổ


Nếu chúng ta có tài vật dư dả nên vui vẻ xả, giúp cho những người bần cùng đói rách. Của cải do mồ hôi nước mắt mình tạo, mình cảm thấy đủ hay dư thì vui xả cho những người nghèo thiếu hay những người ít ỏi hơn. Đó là hỷ xả tài vật bên ngoài.
Hòa thượng Thích Thanh Từ: "Người nào ôm lòng phiền hận thì đau khổ"





Tuy vậy cũng hơi khó làm, vì có nhiều người, kẻ khác thấy họ dư mà bản thân họ lại thấy thiếu. Có một đồng muốn hai đồng, có hai đồng muốn mười đồng, có mười đồng muốn ba mươi đồng, muốn cho đến ngày tắt thở mà vẫn thấy chưa đủ. Như vậy làm sao xả được? Cho nên muốn hỷ xả chúng ta phải học Phật.


Phật dạy ít muốn, biết đủ. Chúng ta biết đủ thì mới xả được, không biết đủ thì không thể nào xả được. Người không biết đủ giống như cái túi không đáy, bỏ vào bao nhiêu tuột hết bấy nhiêu, bỏ bao nhiêu cũng không đầy, do cái bệnh không biết đủ, như vậy làm sao mà xả ?


Ví dụ mỗi ngày buổi trưa chúng ta ăn ba chén cơm là đủ no, dù có đồ ăn ngon, chúng ta cũng ăn ba chén, phần dư thì giúp cho người, hoặc cho vật. Dù đấy là phần dư của mình, nhưng cũng là một lối xả. Chớ nên ăn ba chén vừa no, thấy đồ ăn ngon, ăn thêm nữa, như vậy là phí phạm, vì lượng thức ăn chừng đó là đủ, ăn thêm là dư.


Đó là nói về cái ăn, còn bao nhiêu cái khác. Chẳng hạn như cái mặc, chúng ta có ba bộ đồ đủ để mặc, thêm bộ thứ tư là dư rồi nhưng có bộ thứ tư thấy chưa đủ, mua thêm bộ thứ năm cũng thấy chưa đủ nữa.


Như vậy chừng nào mới đủ để xả? Không biết đủ thì không bao giờ xả được. Muốn xả phải biết đủ, biết đủ mới xả được, của dư đem giúp người không một chút luyến tiếc. Đó là tâm hỷ xả, vui vẻ giúp người chớ không bị bắt buộc.


Hỷ xả tài vật tuy khó nhưng dễ hơn hỷ xả cố chấp phiền muộn ở tâm. Khi có người làm phiền mình thì gương mặt buồn hoặc nhăn nhó. Muốn hết phiền phải tập xả; xả này là tha thứ, là bỏ qua.


Phiền ở đây là phiền não và sân hận, hai thứ đó chất chứa trong lòng, mình phải buông xả nó đi. Người nào ôm lòng phiền hận thì đau khổ, đau khổ từ hiện tại cho đến mai kia, chớ không phải đau khổ trong hiện tại thôi.


Vì vậy, khi biết mình đang ôm lòng phiền hận người này kẻ khác thì phải vui vẻ bỏ, nghĩa là bao nhiêu cái phiền muộn đang chứa chấp trong lòng phải hỷ xả hết. Muốn xả của cải chúng ta phải biết đủ.

Muốn bỏ phiền hận phải làm sao?


Muốn bỏ phiền hận trong lòng, chúng ta phải thấy cuộc đời là vô thường, cái chết đang kề cận, ôm phiền hận làm gì.


Do nghĩ cái chết sắp đến nên chúng ta buông xả được phiền hận. Phiền hận chỉ làm khổ mình, khổ người, không lợi cho ai cả. Quán xét như vậy chúng ta buông hết, không buồn giận ai, lo tu cho tâm an ổn.


Chúng ta thấy cuộc đời như ảo mộng, ngày nay có mặt đây, ngày mai đã mất rồi. Sống trong tạm bợ mong manh, mình tạm bợ, người tạm bợ... Vậy tại sao không thương nhau, nâng đỡ nhau?


Muốn được vui, tươi đẹp thì phải hỷ xả


Nếu chúng ta biết mình là người bị kêu án tử hình và những người xung quanh cũng bị kêu án tử hình thì đâu có buồn giận nhau. Trong cuộc sống hằng ngày khi lẫn lộn chung chạ nhau, có dẫm lên nhau hay có làm phiền toái nhau cũng bỏ qua.


Phải nghĩ đến cái chết, chớ để tâm buồn giận. Nghĩ đến cái chết, chúng ta mới thấy cuộc đời là tạm bợ, sống không có cái gì bảo đảm. Vậy buồn giận nhau để làm gì? Hãy buông xả hết những gì chứa chấp trong lòng. Có ai ở đời mãi đâu mà giận với hờn.


Chúng ta đã học Phật, vậy có tập được hạnh buông xả chưa? Đi chùa cúng Phật có còn giận hờn bạn bè anh em không? Nếu ai còn phiền giận thì ngay bây giờ hãy nguyện đức Phật chứng minh xả hết, cho lòng trống rỗng không còn vướng bận việc gì.


Dù có buồn giận ai từ mười năm hay hai ba mươi năm, ngày nay dứt khoát phải xả. Phiền hận là rắn độc, dại gì chúng ta chứa rắn độc trong nhà. Nếu chứa rắn độc trong nhà thì sớm muộn gì cũng bị nó cắn.


Thế nên khi biết phiền não là rắn độc thì phải xả ngay, đuổi ra khỏi nhà, không dung chứa nó. Biết như vậy là tu đó. Phiền hận thì không vui, hết phiền hận, tâm hồn rỗng rang trống trải thì rất vui vẻ.


Muốn được vui vẻ, chúng ta phải tập hỷ xả những vật bên ngoài, hỷ xả những phiền hận trong lòng. Trong ngoài đều hỷ xả hết mới có cái vui chân thật. Sở dĩ đức Phật Di Lặc cười hoài là vì Ngài hỷ xả, còn chúng ta buồn hoài là vì chúng ta cố chấp phiền hận.


Cố chấp phiền hận là nguyên nhân của đau khổ, của bệnh tật, rất xấu xa đê hèn, dứt khoát phải xả bỏ. Mọi người ai cũng muốn mình là người vui tươi, ai cũng muốn mình là người sung sướng, nhưng tại sao lại chứa cái nhân đau khổ?


Có phải tự mình mâu thuẫn với mình không? Khi nào giận ai, buồn ai là biết mình đang hại mình làm cho mình xấu xa, làm cho mình đau khổ, làm cho mình bệnh hoạn.

(*): Lược ghi bài giảng “Những cái vui trong đạo Phật” của Hòa thượng Thích Thanh Từ